Vì sao có người đi làm việc được trả vài trăm đô la, có người được trả vài ngàn đô la và có người được trả vài chục ngàn đô la một tháng?

Chủ đề “05 cấp độ tiền lương” được anh Võ Thanh Sơn trình bày trong “Hội Nghị Nhân Tài 2016” là một khái niệm hoàn toàn mới sẽ giúp cho chúng ta thấu hiểu cấu trúc tiền lương trong doanh nghiệp hiện đại.

Tôi xin được hân hạnh giới thiệu đến các bạn những chia sẻ của anh và hy vọng với khái niệm mới này sẽ giúp các bạn có những giải pháp khôn ngoan trong việc phát triển sự nghiệp cá nhân để có mức lương dẫn đầu thị trường. 

05 cấp độ của tiền lương bạn cần biết

Cấp độ 1 “Tiền lương là công sức”

Nghĩa là tiền lương được trả cho khối lượng công việc hoàn thành. Người lao động được hưởng lương dựa trên công sức hay sức lực của họ bỏ ra. Giá trị tiền lương đối với cấp độ 1 không lớn nhưng nó chiếm phần đông số người làm công ăn lương trong xã hội: công nhân, nhân viên thông thường, bảo vệ, lái xe, tạp vụ,…

Cấp độ 2 “Tiền lương là sự chuyên nghiệp”

Người lao động có cùng vị trí công việc, khối lượng công việc tương đương nhau. Nhưng người chuyên nghiệp hơn sẽ có mức lương cao hơn. Ví dụ một nhân viên giới thiệu sản phẩm luôn tươi cười, biết cách thu hút khách hàng và luôn làm khách hàng hài lòng họ sẽ được trả lương cao hơn nhân viên không có các khả năng đó.

Tóm lại, tiền lương Cấp độ 2 là trả cho năng lực làm việc của từng cá nhân. Năng lực thì bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ, sức khỏe, ngoại hình,… Thông thường người kỹ sư, chuyên viên nghiệp vụ, nhân viên văn phòng,…được trả lương theo hình thức này.

Cấp độ 3 “Tiền lương là Giải pháp”

Người có khả năng giải quyết được các vấn đề quan trọng thì được trả lương cao hơn. Tiền lương cấp độ 3 là số tiền mà doanh nghiệp trả để mua “Chất xám” của người lao động, số tiền này có thể lớn hơn đến vài chục lần so với tiền lương cấp độ 1 và cấp độ 2. Đây là tiền lương mà doanh nghiệp trả cho lực lượng chuyên viên cao cấp, chuyên gia tư vấn, các nhà quản trị cấp cao,…

Cấp độ 4 “Tiền lương là Danh tiếng”

Nhiều công ty rất sẵn lòng trả lương vài chục ngàn USD một tháng để thuê được người có danh tiếng trên thị trường. Có công ty thì khai thác, sử dụng năng lực của họ, có công ty chỉ thuê họ để khuếch trương thương hiệu công ty. Ví dụ thuê một ngôi sao thời trang hoặc một cầu thủ bóng đá nổi tiếng làm đại diện thương hiệu.

Cấp độ 5 “Tiền lương là sự Chính trực”

Trong Câu lạc bộ HR1000 do anh Võ Thanh Sơn Chủ nhiệm có một người làm thuê trong ngành nhân sự hưởng mức lương trên 10,000 USD/tháng. Anh Võ Thanh Sơn hỏi anh ta “Bí quyết nào để anh có mức lương cao như vậy?” Anh ta trả lời “chúng ta đang sống trong một xã hội thiếu niềm tin, để có được mức lương cao thì phải tạo được niềm tin cho người chủ. Để tạo được niềm tin ngoài tài năng bạn phải có đạo đức tốt.

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định Đạo đức nghề nghiệp đó là sự Chính trực trong công việc. Nếu công ty thuê một người khác làm công việc tôi đang làm thì họ chỉ trả từ 4,000 USD – 5,000 USD/tháng. Tôi được trả mức lương cao gấp 2.5 lần là họ muốn mua sự Chính trực của bản thân tôi và họ hoàn toàn yên tâm về điều đó”.

Một doanh nghiệp nếu đội ngũ không chính trực có thể làm giảm từ 20% – 60% lợi nhuận. Tất cả doanh nghiệp dẫn đầu thị trường hiện nay là những doanh nghiệp đặt sự chính trực lên hàng đầu, họ có khả năng trả lương cao hơn thị trường 200% nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Nếu chúng ta không có sự Chính trực thì danh tiếng, giải pháp, sự chuyên nghiệp chỉ là tạm thời. Điều đó không đủ đảm bảo chúng ta có cuộc sống viên mãn, an lành, hạnh phúc.

Lời kết:

Nếu bạn dùng “sức lực” để kiếm tiền thì chỉ kiếm được vài trăm đô la một tháng. Nếu bạn dùng sự “chuyên nghiệp”: kiến thức, kỹ năng, thái độ,…để kiếm tiền thì bạn có thể kiếm được vài trăm đến hơn một ngàn đô la một tháng. Nếu bạn dùng “trí tuệ” để kiếm tiền thì bạn có thể kiếm được vài ngàn đô la một tháng. Nếu bạn dùng Danh tiếng hoặc sự Chính trực để kiếm tiền thì bạn có thể kiếm tiền gấp đôi người khác hoặc nhiều hơn thế.

Sự Chính trực không chỉ dành cho nhân sự cấp cao mà nó cần cho tất cả mọi người trong tổ chức. Giá trị của một con người không nên đo lường bằng tiền bạc, tài sản họ có được mà phải đo bằng đạo đức nghề nghiệp. Hãy học, suy ngẫm về Đạo đức nghề nghiệp, hãy trở thành người làm thuê Chính trực để có được sự bình an trong tâm hồn, thành công trong công việc, hạnh phúc trong cuộc sống và sự tôn trọng của cộng đồng. Xã hội sẽ vinh danh chúng ta – những người làm thuê Chính trực.

Theo Võ Thanh Sơn