Có rất nhiều bí quyết để một người có thể thành công trong công việc và cuộc sống. Đó là tính chuyên nghiệp, sự siêng năng và các mối quan hệ cá nhân và đặc biệt là kĩ năng giao tiếp của họ. Trong cuộc sống hằng ngày, nếu bạn không có kĩ năng nói chuyện, tương tác với mọi người đặc biệt là với đồng nghiệp, đó chính là những nguyên nhân gây ra những sự hiểu lầm hoặc những bất đồng không đáng có.

 Theo như khảo sát thì không phải lí do về bất đồng ngôn ngữ hay khác biệt văn hóa, lối sống mà chúng ta gặp khó khăn trong giao tiếp. Chẳng hạn như mối quan hệ giữa sếp và nhân viên, đồng nghiệp với nhau, bạn bè… họ vẫn thường xảy ra những xung dột, mặc dù nói chung một thứ tiếng. Vậy lí do là gì? Có thể là họ chưa thực sự lắng nghe nhau, chưa hiểu rõ nhau và không đặt mình trong vị trí của người còn lại để có thể bỏ qua những lỗi lầm của người kia.

 

Nếu muốn có một cuộc giao tiếp hiệu quả, bạn cần chú ý những điều sau đây:

Chú ý vào nội dung câu chuyện chứ không phải là người đối diện

Khi người ta có thành kiến với một ai đó thì rất khó để chấp nhận nghe nói chuyện hay giải thích. Chúng ta hay bị tác động bởi định kiến về một người nào đó trước khi nghe họ nói. Bạn sẽ không chú ý đến lời nói, thông tin mà họ chia sẻ. Đừng để cảm xúc cá nhân chi phối trong quá trình giao tiếp của bạn. Bạn có thể thích người này, ghét người kia thông qua điệu bộ và cử chỉ nhưng đừng để nó ảnh hưởng đến cuộc trò chuyện.

“Tại sao” chứ không chỉ là “Cái gì”?

Bạn nên nắm rõ vấn đề mà người ta chia sẻ với bạn, cần nắm được nội dung thông tin. Sếp bạn quy định thời gian làm việc là 8-9h, bạn sẽ thấy khó chịu vì bị áp đặt. Nhưng tại sao bạn không suy nghĩ theo một khía cạnh khác, nếu làm việc nghiêm túc, đúng giờ như vậy thì hiệu quả công việc sẽ rất cao và linh động được thời gian, tránh được việc đi làm trễ.

Lắng nghe rồi mới đánh giá.

Phép lịch sự tối thiểu là chúng ta nên nghe xong hết nội dung câu chuyện rồi mới đưa ra những lời bình luận và đánh giá. Cần hiểu đúng những gì họ nói trước khi quyết định phản bác hay đồng tình với họ. Đừng vội đưa ra những lời kết luận khi chưa chắn chắn về một điều nào đó.

Không nhất thiết phải là trao đổi trực tiếp, viết cũng được.

Những người thường gặp khó khăn khi phải diễn đạt một vấn đề nào đó thì nên dùng cách viết thư hoặc để lại lời nhắn. Đây cũng là một cách làm hiệu quả.

Thông tin đơn giản và dễ hiểu.

Khi giao tiếp thì tốt nhất nên sử dụng những từ ngữ đơn giản, ngắn gọn và dễ hiểu để người nghe có thể nắm bắt được thông tin nhanh hơn, làm tăng hiệu quả giao tiếp. Những lời nói dài dòng, khách sáo chỉ làm tăng khoảng cách giữa những người đối thoại.

Tiếp nhận phản hồi.

Giao tiếp phải xuất phát được từ hai phía, một người nói thì người kia phải phản hồi. Điều này giúp cho họ biết được thông tin mình đưa ra có được chấp nhận hay không, người đối diện có nắm bắt được nội dung của cuộc trao đổi hay không. Từ đó sẽ kiểm chứng lại thông tin một cách chính xác nhất.

 

Xây dựng niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau.

Chúng ta cần giao tiếp với nhau trên tinh thần tôn trọng và thẳng thắn. Như vậy thì cuộc trò chuyện sẽ mang tính tương tác nhiều hơn và hiệu quả cũng cao hơn.

Cấp bậc trong giao tiếp.

Yếu tố cấp bậc, trên dưới dối với người Việt Nam rất quan trọng. Chúng ta cần phải ý thức được rằng mình đang giao tiếp với ai. Nếu nói chuyện với cấp trên cần chú ý những lời nhận xét, đánh giá và ghi chú lại những điều được nói trong cuộc họp. Còn đối với cấp dưới thì nên hỏi họ suy nghĩ gì, có điều gì cần phản hồi không để lắng nghe và tiếp thu.