Người ta nói “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Khi đi phỏng vấn, ngoài những điều lung linh long lanh, những khả năng và điểm mạnh, không bất ngờ khi nhà tuyển dụng cũng muốn biết những sở đoản của ứng viên, những lúc ứng viên thất bại, gặp gian nan và đã vượt qua chúng như thế nào.

Hãy nhìn nhận một chút ĐIỂM YẾU KHÔNG PHẢI LÀ GÌ.

1. Điểm yếu không phải là tính cách (hoặc trông giống như tính cách)

Nếu không chuẩn bị, hay trả lời “Em là người rụt rè” hay “Em là người nóng nảy”. Khi trả lời như vậy, bạn đang muốn nói với nhà tuyển dụng: “Đây là những tính cách của tôi. Chúng rất khó thay đổi. Tôi đã như vậy và sẽ luôn như vậy.” Đôi khi cách nói của bạn cũng khiến cho một điểm yếu vốn là một hành vi, trông giống như một tính cách không đổi. Ví dụ như lỗi thường gặp nhất của người trẻ: “Em là người hay trễ deadline”. Rõ ràng là bạn chỉ đã từng trễ deadline MỘT VÀI LẦN. Nhưng cách nói này khiến cho bạn giống như là người LUÔN LUÔN trễ deadline.
Với cách nói này bạn đang thể hiện mình là một người không có chí cầu tiến. Không có ý thức cải thiện những điểm yếu của bản thân.
Ảnh lưu trữ miễn phí về bạn, bàn luận, bằng phẳng
2. Điểm yếu không phải là “điểm mạnh giả mạo” / “điểm mạnh giả đò làm điểm yếu”
Những bạn chịu khó google cách trả lời câu hỏi này, thường copy-paste những câu trả lời mẫu trên mạng. Chúng không phải là những điểm yếu THỰC SỰ của chính bạn mà là những điểm yếu chấp nhận được của số đông. Tệ hơn, chúng thường là những điểm mạnh giả đò làm điểm yếu. Ví dụ như
– Dạ điểm yếu của em là sự cầu toàn.
– Điểm yếu của em là em làm việc quá nhiều.
Bạn tin đi, nhà tuyển dụng đã phỏng vấn hàng trăm, nếu không nói đến hàng ngàn ứng viên. Nếu nghe câu trả lời kiểu này, họ sẽ cho rằng bạn là một người máy móc, trả lời lạc đề, hoặc thậm chí giả tạo, giấu diếm điểm yếu thực sự của bản thân
Người Bắt Tay
Một ví dụ, thay vì nói em là người HAY TRỄ DEADLINE, hay là người chưa quản lí tốt thời gian. Bạn có thể nói như sau:
Ví dụ: Khi em mới bắt đầu đi làm tại công ty X vào khoảng năm 2016, em có được giao những dự án mới, những công việc mới. Lúc đó em hay bị hoàn thành công việc sau deadline đã cam kết. Ví dụ em cam kết deadline 3 ngày nhưng thực tế làm đến 5 ngày. Nguyên nhân là do thiếu kinh nghiệm, em thường đánh giá thấp những tiểu tiết của công việc và cam kết deadline ngắn hơn thời gian thực tế. Điều này khiến cho em thường phải làm việc nhiều giờ hơn nhưng vẫn bị nhìn nhận như là một người làm việc thiếu trách nhiệm, trễ deadline. [Còn tiếp…]
Như bạn thấy, đầu tiên đây phải là một ĐIỂM YẾU THỰC. Bạn bị trễ deadline (hậu quả) do chưa ước tính được thời gian cần hoàn tất cho công việc của bạn (nguyên nhân). Thứ hai, những điểm yếu này xuất hiện trong một tình huống cụ thể (trong những dự án mới, công việc mới).
Ví dụ [tiếp tục]: Khi được sếp góp ý, em cũng nhận thấy đây là một điểm yếu quan trọng cần cải thiện. Em đã cải thiện bằng 3 cách. Đầu tiên hỏi những anh chị đồng nghiệp đã làm những công việc tương tự để đưa ra những deadline sát thực tế hơn. Thứ hai, khi được giao công việc, em cũng cố gắng liệt kê chi tiết những chi tiết bên trong để có thể thuyết phục được sếp chấp nhận một deadline phù hợp nhất. Thứ ba, em cải thiện cách giao tiếp với sếp, luôn cập nhật tiến độ công việc, chia sẻ những khó khăn và yêu cầu những sự hỗ trợ phù hợp để đạt được thời hạn đã đề ra.
Sau 6 tháng tập trung nhiều vào điểm yếu này, đánh giá cuối năm của em đã gia tăng lên 2 mức (trên thang điểm 5, từ 2 lên 4) về việc hoàn thành công việc đúng thời hạn.
Như bạn thấy, điều quan trọng hơn của một ĐIỂM YẾU TỐT là bạn phải đã có những hành động cụ thể để cải thiện tình hình (3 giải pháp để cải thiện) và có những kết quả tích cực (đánh giá cuối năm tăng).
Ảnh lưu trữ miễn phí về bàn, bộ đồ, gặp gỡ
Có 2 câu hỏi để giúp tìm ra điểm yếu
1. Đâu là những thất bại lớn bạn đã gặp phải trong quá khứ? Đâu nguyên nhân cốt lõi TỪ PHÍA BẠN gây ra những thất bại này?
2. Đâu là một feedback quan trọng mà sếp đã đưa cho bạn trong quá trình làm việc? Bạn có đồng tình với feedback đó (có) và nhận thấy nguyên nhân cốt lõi từ phía bạn?
Lúc này bạn sẽ có một danh sách những điểm yếu của riêng bạn. Đừng lo, danh sách này hoàn toàn của cá nhân bạn và bạn không cần phải cho ai thấy.
Từ đây, hãy chỉ lựa chọn những điểm yếu bạn ĐÃ CÓ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẢI THIỆN và CÓ KẾT QUẢ cụ thể. Hãy viết rõ câu chuyện của những điểm yếu đó và sẵn sàng chia sẻ trong buổi phỏng vấn.
Tác giả: Lê Minh Đạo – một cựu sinh viên Ngoại Thương, từng làm việc 6 năm tại Microsoft, Nielsen và Boston Consulting Group.