Đi làm chừng 4 – 5 năm, anh Bùi Quang Tinh Tú, hiện là CGO của JobHopin, muốn nâng vị trí công việc bản thân lên một cấp độ cao hơn nên bắt đầu đi “phỏng vấn dạo”. Ứng tuyển vị trí Digital Manager cho mười mấy công ty, được chừng 5 – 7 công ty gọi phỏng vấn, anh tham gia tất cả nhằm khắc phục nỗi sợ khi phỏng vấn tuyển dụng và rút ra bài học về những yếu tố bản thân còn thiếu sau mỗi lần phỏng vấn.

Tôi được offer (mời) vị trí Mid-level Manager (quản lý cấp trung) lần đầu tiên sau khi đi làm khoảng 4 năm, được offer cấp Director (Giám đốc) khoảng hơn 6 năm đi làm và vị trí C-level (cấp cao) đầu tiên sau 9 năm đi làm“, anh Tú – CGO của JobHopin chia sẻ tại buổi chia sẻ “Nghệ thuật chinh phục nhà tuyển dụng” mới đây.

Trước câu hỏi của một bạn trẻ về việc trả lời thế nào với câu kinh điển của nhà tuyển dụng “Em muốn lương bao nhiêu?“, Tú cho biết đa phần mọi người nhìn vào mức tăng lương thì mức tăng 10 – 15% so với mức lương cũ là hợp lý. Tuy nhiên, anh từng may mắn deal được mức lương cao gấp đôi so với công việc cũ nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Một sai lầm mà những bạn trẻ đang làm chuyên môn được 3 – 4 – 5 năm muốn ứng tuyển nâng lên cấp quản lý thường mắc, theo anh Tú, là phô diễn nhiều về kỹ năng chuyên môn (Skill & competency) mà thiếu hẳn sự thấu hiểu về tình hình kinh doanh công ty ứng tuyển và sản phẩm của họ (Business insight).

Câu hỏi kinh điển Em muốn lương bao nhiêu? và tiết lộ của chàng trai deal được lương gấp đôi, đi làm 6 năm lên Giám đốc - Ảnh 1.

Theo anh, để chuẩn bị kiến thức và thông tin đầy đủ cho buổi phỏng vấn cần 3 bước: Thu thập dữ liệu–Information, từ đó rút ra Hiểu biết – Insight về doanh nghiệp, và chuyển hiểu biết thành Hành động (Action) trong buổi phỏng vấn.

1 – Thu thập dữ liệu

Có 3 kênh để thu thập dữ liệu phổ biến:

– Từ Google: Tìm các thông tin tổng quát về công ty, sản phẩm. Công ty mình apply xuất hiện trên những kênh nào? Có được giải thưởng nào hay đã được đầu tư? Review công ty ra sao? Đối thủ của công ty là ai?…

– Từ các kênh chính thống của công ty: Công ty đang bán những sản phẩm gì, giá thế nào? Công ty đang có bài viết, features gì? Người sáng lập là ai, dàn management gồm những người nào => tìm thông tin các cấp lãnh đạo trên LinkedIn để hiểu thêm về doanh nghiệp.

Tìm hiểu cả các kênh Marketing, Customer Service Channels, và cả các thông tin tuyển dụng để nắm được đường hướng phát triển của công ty trong tương lai gần. Một công ty đang tuyển dụng nhiều sales chứng tỏ công ty có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh, tuyển dụng nhiều Developer tức công ty đang có kế hoạch phát triển sản phẩm, tuyển dụng nhiều marketing tức công ty đang đà tăng trưởng, muốn phát triển nhiều góc độ…

– Các kênh Social như Facebook, Instagram: Xem một tuần share bao nhiêu post? Tương tác thế nào? Tone of voice (Sắc thái ngôn ngữ) khi chia sẻ chủ đề thế nào, nghiêm túc hay thoải mái? Qua tone of voice có thể nắm được phần nào văn hóa công ty.

Câu hỏi kinh điển Em muốn lương bao nhiêu? và tiết lộ của chàng trai deal được lương gấp đôi, đi làm 6 năm lên Giám đốc - Ảnh 2.

2 & 3 – Insight => Action

Với lĩnh vực ứng tuyển liên quan đến Marketing, sau khi có thông tin về sản phẩm, các kênh marketing, Tú đã subscribe các kênh Facebook, Youtube, chat với Fanpage, follow các nội dung công ty gửi để nhận thông tin, từ đó note ra một số cái doanh nghiệp đang làm tốt hay chưa tốt, viết phân tích… Khi đến buổi phỏng vấn thì trình bày ở góc độ cá nhân những điều mình đúc rút, phân tích, thậm chí sau buổi phỏng vấn gửi luôn họ bản đó…

Với các mảng khác như Product thì có thể tải mobile app, tải website phân tích các yếu tố cơ bản, tìm hiểu kỹ những thứ họ làm và đưa ra góp ý tại buổi phỏng vấn.

Hành động này sẽ khiến nhà tuyển thấy bạn hữu ích ngay cả khi bạn chưa bước chân vào công ty“, Tú nói.

Những thông tin thu thập trên còn để phục vụ cho Non-competency questions – những câu hỏi không liên quan đến chuyên môn. Cần nhớ vị trí các bạn ứng tuyển là cấp quản lý, cho nên dù ứng tuyển lĩnh vực marketing, bạn vẫn phải trả lời được các câu hỏi về sản phẩm, đối thủ…

Một tip nhỏ nữa là nên hiểu người sẽ là cấp trên của bạn nếu bạn được nhận làm (Would-be Manager), ví như vị trí bạn ứng tuyển là Manager thì C-level hay Director bạn sẽ làm việc dưới trướng là ai. Mở social (Facebook, LinkedIn…) xem người đó hay chia sẻ về vấn đề gì.

Việc này sẽ tránh được việc “chọi” style, ví như sếp bạn thích tăng trưởng bền vững mà bạn cứ đào sâu tung hô Growth Hacking chẳng hạn.

Anh Tú cho biết, lần deal lương gấp đôi lần ấy, anh đã chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy. Về bối cảnh, lần ứng tuyển năm đó anh đã làm ở công ty cũ 3 năm, với mức lương khá thấp so với mặt bằng chung của thị trường, do công ty cũ là tập đoàn lớn, với mức tăng lương duy trì ở mức 5%/năm. Để deal được mức lương gấp đôi này, bản thân anh cũng phải vượt qua được 5 vòng phỏng vấn cho vị trí Director từ HR, đến Line Manager là CEO và Team về chuyên môn từ khu vực phỏng vấn, cuối cùng có presentation (thuyết trình) cho vòng phỏng vấn đó.

Một điểm quan trọng khác là mức lương anh đề xuất vẫn nằm trong dải lương (Salary range) cho vị trí tuyển dụng này của công ty.

Anh Tú cho biết về cơ bản, để đàm phán lương thành công, các bạn cần đánh giá bản thân mình đang ở đâu, dải lương công ty dành cho vị trí ứng tuyển thế nào và khả năng của mình có đáp ứng được để công ty sẵn sàng trả mức lương mà bạn yêu cầu hay không.

Bùi Quang Tinh Tú hiện giữ cương vị Giám đốc tăng trưởng (CGO) JobHopin. Anh là nhà sáng lập Cộng Đồng Marketing và Truyền Thông UAN. Tú từng giữ nhiều vị trí cao cấp tại các công ty khác nhau như CMO của GoViet (tiền thân Gojek Việt Nam hiện nay), Managing Director của Conversion Asia – công ty tư vấn về chuyển đổi số trong các hoạt động marketing, đào tạo và cố vấn, coaching đội ngũ marketing doanh nghiệp, CMO Asia của Ringier AG – tập đoàn truyền thông đa quốc gia tư hữu lớn nhất của Thụy Sĩ…