Nhìn lại toàn diện số thống kê ngành làm đẹp, các nhà đầu tư vô cùng phấn khởi vì kết quả kinh doanh năm 2019 chỉ tăng chứ không hề giảm. Ngành công nghiệp làm đẹp toàn cầu trị giá hơn 500 tỷ USD, riêng thị trường Mỹ chiếm 93,5 tỷ vào năm 2019; thị trường chăm sóc da toàn cầu trị giá gần 135 tỷ USD; phát triển một cách nhanh chóng và năng động, các sản phẩm và dịch vụ mới xuất hiện trên thị trường mỗi ngày. Cũng theo thống kê tăng trưởng của ngành công nghiệp làm đẹp, số lượng nhân viên trong phân khúc dịch vụ dự kiến sẽ tăng 10% cho thợ cắt tóc, làm tóc, chuyên gia thẩm mỹ và gần 22% cho các nhà trị liệu massage vào năm 2024.

Thị trường chăm sóc da toàn cầu trị giá gần 135 tỷ đô la trong năm 2018, đây là mức tăng gần 60% trong mười năm qua. Chăm sóc da chiếm 60% tổng lợi nhuận trong ngành làm đẹp. Do nhận thức được nâng cao về tầm quan trọng của chăm sóc da và số lượng đàn ông mua sản phẩm chăm sóc da ngày càng tăng, phân khúc thị trường này tiếp tục phát triển. Năm 2019 doanh số chăm sóc da tăng 5% so năm trước, trong đó các sản phẩm, dịch vụ chống lão hóa và làm đẹp tự nhiên là những đóng góp lớn nhất.

Theo các chuyên gia, trong vài năm gần đây, ngành công nghiệp làm đẹp nói chung và ngành mỹ phẩm nói riêng được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng nhanh. Báo cáo của Tổ chức Giám sát Kinh tế sức khỏe toàn cầu (Global Welness Institute) cho thấy, giai đoạn 2015-2017 ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn cầu tăng trưởng 12,8%, từ 3.700 tỷ lên 4.200 tỷ USD (6,4%/năm). Mức chi tiêu khoảng 4.200 tỷ USD, lớn hơn một nửa so với tổng chi y tế là 7.300 tỷ USD.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, dù khởi đầu chậm hơn so với các quốc gia khác, nhưng ngành mỹ phẩm Việt Nam đã có bước phát triển vô cùng mạnh mẽ. Châu Á là thị trường làm đẹp thuộc top tăng trưởng nhanh chỉ sau châu Âu. Riêng tại Việt Nam, những năm gần đây những nhãn hàng mỹ phẩm, thẩm mỹ viện, spa ồ ạt mọc lên và ý thức làm đẹp cũng gia tăng, đặc biệt là tầng lớp thanh niên và trung niên, những người có thu nhập trung bình khá.

Bà Winnie Nguyễn, chuyên gia ngành làm đẹp tại Hồng Kông khẳng định, thập kỷ tới là “thời điểm vàng” của ngành spa cũng như ngành chăm sóc sắc đẹp. Dự báo, mỗi năm sẽ có thêm 2.000 spa mở mới để đáp ứng nhu cầu của người dân, tương ứng với hàng chục nghìn vị trí tuyển dụng đang thiếu.

Chia sẻ về thị trường này, đại diện một chuỗi làm đẹp cho biết Việt Nam đang bước vào giai đoạn hình thành và phát triển tương tự Hàn Quốc 20 năm về trước. Theo một báo cáo khác, tính riêng dịch vụ giảm béo (chiếm 26% tỷ trọng các dịch vụ làm đẹp) có đến 200.000 lượt tìm kiếm (tăng 20%) chỉ trong 1 tháng của quý năm 2018, lượng Ads Traffic bình quân đạt giá hàng ngàn cho mỗi thương hiệu.

Làm đẹp là ngành mà những người có tiền rất chịu chi, và thông qua điều này họ cũng khẳng định bản thân, thì thị trường cũng có thể gọi là mới bắt đầu, chưa phải giai đoạn cạnh tranh mạnh mẽ. Ông Nguyễn Văn Mùi – đại diện chuỗi Rmei’lan chia sẻ: “Đối tượng khách hàng dư giả tiền, họ tiêu tiền không tiếc tay cho nên phải đưa ra mức giá thật cao, thật tương xứng họ mới làm. Dĩ nhiên chất lượng cung cấp ra cũng phải cao cấp, xứng đáng với mức chi trả của khách hàng”.

Trên thị trường, có những spa chỉ thiết kế dịch vụ gói giá 500 ngàn, tính ra phục vụ một người được 500 ngàn, thì 100 khách mới được 50 triệu. Tuy nhiên, để có 100 khách một ngày thì là điều không thể tưởng với ngành này, thực sự sẽ phải rất mệt mỏi và thực tế cũng không ai làm xuể. Trong khi đó, ở phân khúc cao cấp chỉ cần 1-2 khách là được mức thu đó, thậm chí có đối tượng chỉ cần một người thôi cũng đủ thu về 500 triệu hoặc hơn 500 triệu đồng. 

Nói về đầu tư, với tiệm “đơn sơ”, ông Mùi ước tính bỏ ra khoảng một vài tỷ, song khó có thể thu hút được nhóm khách hàng là người giàu. Ngược lại, muốn phục vụ được đối tượng cao cấp vốn đầu tư trên mỗi đơn vị phải lên đến 40-50 tỷ đồng. Đến hiện tại, thương hiệu làm đẹp cao cấp chiếm số lượng khá nhỏ trên thị trường, song doanh số thì áp đảo với mức thu/khách hàng cao gấp 10 lần, thậm chí hơn 10 lần so với nhóm cấp thấp.

Một vị bác sĩ thẩm mỹ giấu tên ở Hà Nội cho biết chi phí cho một ca điều trị thẩm mỹ không chỉ dựa vào công nghệ hiện đại, mỹ phẩm đặc trị mà còn phụ thuộc rất nhiều vào độ uy tín của cơ sở thẩm mỹ cũng như tên tuổi của bác sĩ thực hiện điều trị. Khách hàng thu nhập càng cao, nhu cầu về làm đẹp càng nhiều, họ sẵn sàng bỏ ra mức chi phí hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng để được đích thân các chuyên gia đầu ngành chăm sóc nhan sắc, khiến cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ làm đẹp càng có thêm điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng.

Đơn cử như dịch vụ trị nám da, ở thẩm mỹ viện này có chi phí là 10 triệu đồng nhưng ở cơ sở khác có tiếng tăm hơn, bác sĩ uy tín hơn sẽ lên tới 20 triệu, thậm chí là 30 triệu đồng. Tuy mức chênh lệch khá lớn nhưng khách hàng có điều kiện tâm niệm rằng “tiền nào của nấy” nên trước khi quyết định đi tân trang sắc đẹp, họ không cần để tâm đến giá thành mà luôn đặt yếu tố hiệu quả cũng như mức độ an toàn lên trên hết.

Theo thống kê của các tổ chức xã hội, nhân sự trong ngành làm đẹp, thẩm mỹ đang có mức thu nhập khủng. Cùng là vị trí quản lý nhưng quản lý trong ngành làm đẹp có thu nhập gấp ít nhất 1.5 lần so với nhiều ngành khác. Marketing trong ngành làm đẹp cũng có nhiều cơ hội phát triển và thu nhập có thể lên tới hàng trăm triệu là bình thường. Cùng với đó, các vị trí như chuyên viên tư vấn, kỹ thuật, bác sĩ,… cũng có thu nhập tính theo hàng chục triệu. Đơn cử như telesale, telesale ngành thẩm mỹ có thu nhập cao gấp 1.5 lần nhiều ngành khác và sẽ còn tăng mạnh hơn nữa khi nhu cầu làm đẹp của con người càng tăng.

Cũng chính nhờ mức lợi nhuận “khủng” mà các giám đốc thẩm mỹ viện, spa cao cấp đã chi “mạnh tay” cho mức lương và thu nhập của nhân viên, thu nhập trung bình của một bác sĩ thẩm mỹ vào khoảng 150-200 triệu/tháng, thu nhập của y tá khoảng 15-25 triệu/tháng, thu nhập của chuyên viên thẩm mỹ cũng từ 10-15 triệu/tháng.

Hương Giang, một nhân viên thẩm mỹ làm việc ở Hà Nội chia sẻ, nếu lành nghề, mức lương của ngành làm đẹp này có thể khá cao so với mặt bằng chung. “Chuyên viên như mình thu nhập cũng khoảng 10 triệu đồng/tháng, người lành nghề hơn thì 12-15 triệu đồng. So với một số ngành ‘hot’ trước đây như ngân hàng hay giáo viên, kỹ sư thì mức này khá cạnh tranh”, Giang chia sẻ.

Giám đốc một trung tâm thẩm mỹ tại Hà Nội cho biết, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất trong ngành lên tới 150 triệu đồng, áp dụng cho nhân viên xuất sắc. Trong khi đó, mức phổ biến là 4-6 tháng lương. Ngoài ra, có những trung tâm thẩm mỹ còn có chế độ hỗ trợ tiền tàu xe, vé máy bay cho nhân sự về quê ăn Tết.

Có thể thấy, với mức sống và nhận thức của người Châu Á nói chung và người Việt nói riêng về việc chăm sóc sắc đẹp, chắc chắn ngành làm đẹp sẽ còn phát triển với tốc độ kinh khủng hơn nữa trong những năm tới. Trong đó, những người giàu có sẽ không ngại chi thường xuyên và mạnh tay cho các thương hiệu làm đẹp cao cấp và uy tín nhất, tạo ra rất nhiều cơ hội cho các thương hiệu đứng đầu thị trường và những nhân sự đã có kinh nghiệm trong ngành.

Các chuyên gia dự báo trong vòng 10 năm tới, ngành làm đẹp tại Việt Nam sẽ còn phát triển theo chiều hướng chuyên sâu hơn, liên kết với Y tế để mang lại những trải nghiệm trọn gói khép kín. Khi đó, cơ hội việc làm trong ngành này sẽ trở thành miếng mồi béo bở mà bất kỳ người lao động nào cũng muốn đạt được.