Sự tăng trưởng ấn tượng về lượt khách du lịch đến Việt Nam tham quan mỗi năm là tiền đề cho ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống – một ngành hàng có tương quan mật thiết theo ý nghĩa chuỗi cung ứng đầu vào cho ngành dịch vụ khách sạn – thêm sức hút và duy trì tỷ lệ tăng trưởng mà nhiều ngành khác phải “mơ ước”.
ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam dự kiến tiếp tục duy trì tỷ lệ tăng trưởng trên 10%/năm trong giai đoạn từ 2015-2020.

Ông Trần Việt Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Triển lãm VCCI tại buổi họp báo công bố triển lãm Food&Hotel Việt Nam 2017 chia sẻ, quy mô dân số gần 100 triệu dân của Việt Nam đã và đang khiến bất kỳ đại gia ngành hàng tiêu dùng thực phẩm nào cũng phải khao khát, dù cạnh tranh trong lĩnh vực này là vô cùng khốc liệt.

“Có thể kể tên vô số đại gia thực phẩm-đồ uống của cả trong và ngoài nước như: Masan, Visan, CP, Dabaco, Japfa Comfeed, Ba Huân, Minh Phú, Hùng Vương, Vĩnh Hoàn, Navico, Gò Đàng, Nutifood, Habeco, Sabeco, Tribeco, Tân Hiệp Phát, Coca-Cola, PepsiCo, URC, Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị…đã và đang cùng chia sẻ thị phần. Tín hiệu lạc quan cũng đang dần mở ra với các nhà sản xuất thực phẩm chế biến sẵn trong nước do nắm bắt được khẩu vị và tâm lý thưởng thức của người Việt Nam, thực phẩm chế biến sẵn nội địa đang có nhiều hy vọng chiếm lĩnh thị trường”, ông Dũng nói.

Cũng theo vị này ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam dự kiến tiếp tục duy trì tỷ lệ tăng trưởng trên 10%/năm trong giai đoạn từ 2015-2020.

Tuy nhiên, trong từng phân ngành của công nghiệp thực phẩm và đồ uống của Việt Nam, tỷ lệ tăng trưởng của mỗi mảng sản phẩm là khác nhau. Chẳng hạn sữa được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng cao hơn hẳn khi tỷ lệ tiêu thụ sữa (đơn vị kg)/ người của người Việt vẫn thấp so với nhiều quốc gia. Điều này giải mã phần nào sức hút của Vinamilk, Sữa Ba Vì, HanoiMilk…đối với những nhà đầu tư ngoại lẫn nội khi họ liên tục có nhu cầu đổ vốn vào gom mua cổ phần các DN này. Hay với lĩnh vực đồ uống như bia, sự tăng trưởng đều đặn của Sabeco, Habeco…hàng năm, cùng với việc sở hữu phần lớn thị phần đã khiến cổ phiếu của các DN này luôn nằm trong top các DN có tăng trưởng giá ngoạn mục trên sàn UpCom.

Đáng chú ý, sự gia nhập và lấn sân của người Thái ở nhiều DN ngôi đầu ngành tiêu dùng với hướng sản xuất thực phẩm, đồ uống như sự hợp tác chiến lược cùng Masan để cùng phát triển ở thị trường Asean, đầu tư cổ phiếu từ cổ phần SCIC thoái vốn tại Vinamilk… cũng phác thảo một diện mạo cạnh tranh khốc liệt nhằm tăng sức ảnh hưởng hơn nữa ở thị trường VN.

Theo ông BT Tee, Tổng giám đốc UBM VES từ Singapore, có thể xác định hai yếu tố cơ bản khiến thị trường Việt Nam đặc biệt hấp dẫn trong mắt các DN, nhà đầu tư ở lĩnh vực phát triển công nghiệp thực phẩm và đồ uống: Thứ nhất, khi Việt Nam tăng trưởng về kinh tế đồng nghĩa nhiều thương hiệu cũng sẽ quan tâm đến thị trường này. Ngành công nghệ thực phẩm và đồ uống với các nhãn hàng theo đó sẽ là những điểm nhấn nổi bật hỗ trợ cho phát triển công nghiệp du lịch. Thứ hai, cũng chính các yếu tố nền tảng của vĩ mô Việt Nam như tăng trưởng GDP liên tục nhiều năm khá ổn định, thu nhập khả dụng của người dân tăng cao, đồng nghĩa nhu cầu thực phẩm và đồ uống nói chung cũng sẽ tăng lên.

Hấp dẫn, song DN muốn tăng cường năng lực cạnh tranh thì phải có những chìa khóa riêng biệt, thiết lập được chiến lược và tầm nhìn riêng của DN mình. Ông Didier Lachize, Giám đốc điều hành và thành viên sáng lập CTCP Đại Tân Việt (New Viet Dairy) nhận định dù khác biệt, vẫn có điểm chung mà các DN đều phải hướng đến, như một “vũ khí” không thể thiếu nếu muốn phát triển gắn bó, bền vững với thị trường, là quy trình sản xuất thực phẩm an toàn và cung cấp thông tin minh bạch cho khách hàng, người tiêu dùng. Đây không chỉ là một trong những yếu tố quan trọng để cạnh tranh trong ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống nói chung mà còn đặc biệt quan trọng trong tiếp cận, cung ứng cho chuỗi dịch vụ lưu trú, khách sạn ở Việt Nam. Bởi các nhà quản lý dịch vụ khách sạn cao cấp hiện đã nâng cao tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm theo đúng chuẩn mực và yêu cầu của du khách quốc tế, tương ứng với quy mô ngày càng lớn hơn của Việt Nam trên trường quốc tế về du lịch.

Tổng giám đốc New Viet Dairy cũng cho biết hiện họ đang có tới 6.000 khách hàng thường xuyên với lượng đặt hàng “sỉ” trên cương vị nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch, phủ sóng ở những điểm du lịch “nóng” trên toàn quốc.

“Mức tăng trưởng nhu cầu của khách hàng về thực phẩm phục vụ du lịch gấp 3 lần so với trước đã khẳng định thị trường sản xuất thực phẩm cho công nghiệp du lịch là một thị trường đầy sức hút. Tuy vậy, chiến lược cạnh tranh phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của chúng tôi vẫn không đi theo con đường cạnh tranh giá, mà chúng tôi luôn nỗ lực giải mã câu hỏi của khách hàng rằng: Trong đĩa ăn của họ đang có món gì, an toàn không…”, ông Didier Lachize nói. Trên quan điểm đó, an toàn thực phẩm và xa hơn, cao hơn, xu hướng sản xuất, cung ứng thực phẩm công nghiệp và đồ uống hữu cơ của VN cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh chính ngành hay tương hỗ cho năng lực cạnh tranh, thương hiệu của du lịch Việt.