Tương lai ngành thực phẩm – Thách thức và cơ hội

Home » Tương lai ngành thực phẩm – Thách thức và cơ hội

Tương lai ngành thực phẩm – Thách thức và cơ hội

(ĐCSVN) – Ngày 9/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước tổ chức Hội nghị Quốc tế ngành thực phẩm Việt Nam (Vietnam Food Forum 2020) với chủ đề “Tương lai ngành thực phẩm – Thách thức và cơ hội”.

 Toàn cảnh Hội nghị.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành và các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, các lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn, nhỏ ….

Đây là sự kiện quốc tế quan trọng trong ngành thực phẩm Việt Nam, nhằm tạo ra diễn đàn đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức hỗ trợ và các doanh nghiệp ngành thực phẩm Việt Nam, các tập đoàn kinh tế toàn cầu và các chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm Việt Nam và thế giới.

Việc tổ chức hội nghị cũng nhằm hỗ trợ kịp thời, tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong ngành nông sản thực phẩm tại giai đoạn khó khăn này, mang đến những cơ hội thiết thực để các doanh nghiệp và khách tham quan tiếp cận các sản phẩm phù hợp với xu thế mới của thị trường thực phẩm trong và ngoài nước, các thành tựu đổi mới về khoa học công nghệ bảo quản, chế biến thực phẩm; tạo môi trường xúc tiến thương mại thuận lợi cho việc tiếp cận, gặp gỡ trực tiếp các đối tác tiềm năng để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường.

Nhiều năm nay, thực phẩm luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và còn nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Các sản phẩm thực phẩm Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn thành công khi giữ vị thế cao trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Việt Nam đang dần trở thành nguồn cung quan trọng, phong phú các sản phẩm nông sản, thực phẩm cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, ‘cú sốc” của đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều xáo trộn, khiến ngành thực phẩm Việt Nam chịu tác động lớn. Chuỗi cung ứng nguyên liệu bị “đứt gãy”, tiêu thụ trong nước sụt giảm, đơn hàng xuất khẩu bị hủy bỏ hoặc giảm đáng kể, hoạt động logistics, vận tải hàng hóa bị đình trệ, ùn tắc tại các cảng, hàng hóa và dòng vốn đều thiếu hụt hoặc dồn ứ tại kho, trong khi đó doanh nghiệp vẫn phải duy trì trách nhiệm xã hội tối đa khiến nhiều doanh nghiệp phải chịu khó khăn và các sức ép lớn trong đợt dịch COVID-19. Bên cạnh đó, những thay đổi về hành vi của người tiêu dùng cũng có những ảnh hưởng trái chiều lên doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có chiến lược thay đổi và ứng phó thích hợp.

 Các chuyên gia phát biểu tại hội nghị.

Đứng trước “sóng gió”, các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm trong nước vẫn đáp ứng được nhu cầu trong nước, đảm bảo ổn định giá cả thị trường, chủ động thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới bằng cách đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, chú trọng chất lượng và mẫu mã sản phẩm để chinh phục thị trường khu vực và thế giới. Ngoài ra, việc Việt Nam đã và đang tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và mới đây nhất là EVFTA cũng đã mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp ngành thực phẩm phát triển, tăng cơ hội xuất khẩu. Chính vì vậy, giá trị xuất khẩu của ngành hàng thực phẩm và đồ uống Việt Nam vẫn tăng trưởng rất tích cực. Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ số sản xuất ngành chế biến thực phẩm 9 tháng đầu năm 2020 đạt 103,4% so với cùng kỳ năm trước.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, ngành công nghiệp thực phẩm và chế biến nông thủy sản Việt Nam trong những năm gần đây chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là ngành đã và đang góp phần quan trọng vào việc ổn định an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế đất nước. Điều này được thể hiện rõ hơn trong đại dịch COVID-19. Việt Nam hoàn toàn tự chủ được về khả năng cung ứng lương thực, thực phẩm trong cả nước. Đồng thời, mặc dù có những rào cản về mặt đi lại, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu đi các thị trường quốc tế, với sự nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, xuất khẩu nông sản thực phẩm vẫn tăng trưởng với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 3 quý đầu năm 2020 đạt hơn 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ cùng các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan hữu quan để đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong ngành nông sản, công nghiệp thực phẩm nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh và mở rộng thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, việc chủ trì tổ chức hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối thị trường thông qua các nền tảng số, trên môi trường internet là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả giúp doanh nghiệp Việt Nam duy trì hợp tác kinh doanh, đẩy mạnh giao thương mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty Cổ phần Nafoods Group cho biết, trong quá trình bị cách ly bởi dịch bệnh COVID-19, Nafoods Group áp dụng kỷ luật nghiêm coi mỗi nhà máy, mỗi văn phòng là một chiến hào chống dịch, còn mỗi nhân viên là chiến sỹ chống dịch. Cùng với đó công ty đã tiến hành cắt giảm chi phí hoạt động qua làm việc ở nhà, trực tuyến; giải cứu nguyên liệu cho bà con nông dân… Mặc dù, có nhiều nguyên liệu, công ty gặp khó khăn do hàng bị tồn kho và  sức ép thanh toán cho bà con.

“Tuy vậy, công ty cũng coi đây là cơ hội để xem lại chiến lược, tầm nhìn, đặc biệt là dịp xem lại quản trị và cách kinh doanh hiệu quả hơn. Và trong tình hình như vây, sự hỗ trợ Chính phủ với doanh nghiệp chậm, nhưng công ty tự nhận ra nguyên tắc không ai thương mình bằng chính mình, không trông chờ vào điều gì hết, phải thắt lưng buộc bụng, tăng cường làm việc, đối thoại nông dân, trao đổi khách hàng qua trực tuyến để họ hiểu công ty, tất cả cùng chung tay vượt qua khó khăn. Do đó, mặc dù, chỉ tiêu so với kỳ vọng đầu năm chưa có dịch công ty không hoàn thành, nhưng với cam kết cổ đông, công ty đã hoàn thành và đạt tốc độ tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nỗ lực lớn và là sự đồng lòng của bà con nông dân.”- Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các chuyên gia chia sẻ thông tin về những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm trong bối cảnh hiện nay như: Xu hướng ngành thực phẩm trong nước và quốc tế; Tư duy thương hiệu trong chu kỳ kinh tế suy thoái; Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn mới; Tận dụng Hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm; Sàn giao dịch nông sản thực phẩm…/.

Tin, ảnh: Chi Mai