Quá khéo ăn khéo nói lại hoá thảo mai, cách có được thiên hạ tốt nhất là cân bằng giữa NÓI và LẮNG NGHE

 

Giao tiếp giỏi là một nghệ thuật, sự thấu hiểu lẫn nhau là nền tảng cơ bản giúp bạn gầy dựng thiện cảm, trở nên “hay ho” trong mắt đối phương. Nhưng khi trải nghiệm nhiều cuộc trò chuyện khác nhau, nếu chúng ta đạt hiệu quả ít thất bại nhiều thì phần đông mọi người muộn phiền rằng, “tại sao những cảm xúc của mình lại không được ai thấu hiểu”. Bạn thường đổ lỗi cho người khác không hiểu rõ cảm xúc của mình. Theo bác sĩ trị liệu tâm lý người Nhật Hiroyuki Ishii, lối suy nghĩ “không cần nói rõ mà phải tự hiểu” là không nên có ở con người chúng ta.

Đồng thời, những ai thường gặp rắc rối trong các mối quan hệ đều có điểm chung là không biết quan sát sắc mặt và lắng nghe đối phương. Ngược lại, đa phần chúng ta thường chăm chăm vào việc ấn tượng của mình trong mắt người khác như thế nào, liên tục chia sẻ nhiều về bản thân… Vì vậy, điều kiện cần của một cuộc trò chuyện thú vị là sự cân bằng giữa nói và lắng nghe. “Một cuộc trò chuyện thú vị giống một chiếc váy ngắn, phải đủ ngắn để gây thích thú nhưng phải đủ dài để bao trùm chủ đề”, Celeste Headlee.

Trong cuộc sống, giao tiếp là một kỹ năng quan trọng. Chúng ta sẽ cần tham gia rất nhiều cuộc trò chuyện, với nhiều người khác nhau. Bạn sẽ nói chuyện với anh tài xế xe công nghệ, cô bán bánh mì, thợ sửa điện, các giảng viên tại trường, những người bạn thân quen và cả những người bạn mới… Đồng thời, chúng ta sẽ có dịp nói chuyện với những người mà bạn thích và cả những người mà bạn không thích…

Mỗi cuộc trò chuyện sẽ giúp bạn học được điều gì đó. Bởi lẽ, theo nhà khoa học Bill Nye đã từng nói: “Mỗi một người mà bạn gặp gỡ, họ sẽ biết điều gì đó mà bạn chưa biết. Mỗi người mà bạn gặp gỡ đều là những chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó”.

Đối với những người năng nổ và hoạt ngôn, đây không hẳn là một thử thách khó khăn. Nhưng nếu bạn không phải tuýp người “khéo ăn, khéo nói” thì hãy điểm qua 5 bí quyết dưới đây để hòa mình vào một cuộc trò chuyện hiệu quả, từ đó, cải thiện mọi mối quan hệ công việc lẫn quan hệ cá nhân.

 

Bí quyết 1: Vừa trò chuyện, vừa quan sát đối phương

Khi nói chuyện với người khác, bạn không nên “dán mặt” vào điện thoại hay miệng nói nhưng tâm trí để nơi khác. Nếu rơi vào tình huống như vậy, chắc hẳn bạn sẽ bị đánh giá là không tôn trọng người đối diện. Bí quyết là hãy gạt bỏ tất cả những suy nghĩ vẩn vơ xung quanh, dừng lại mọi hoạt động để tập trung quan sát đối phương và quan tâm đến cuộc trò chuyện.

Muốn giao tiếp hiệu quả, nhất định phải quan sát kỹ đối phương. Người biết cách lắng nghe chính là người vừa trò chuyện, vừa quan sát người đối diện. Việc quan sát đối phương chính là yếu tố quan trọng trong những điều cơ bản. Quan sát không chỉ đơn thuần là nhìn một người mà cần phải có “sự quan tâm” đi kèm nữa.

Bí quyết 2: Đặt câu hỏi mở

Có một nguyên tắc trong việc đặt câu hỏi mở, nếu muốn đối phương nói về mẹ của họ thì đầu tiên người hỏi phải kể về mẹ của mình trước. . Những câu hỏi khiến đối phương vui thích, chẳng hạn như: “Có ai từng nói bạn trông giống ngôi sao Kang Dong-won chưa? Tôi thích Kang Dong-won lắm đấy. Còn bạn có thích người nổi tiếng nào không?”. Hay “Về hình mẫu gia đình lý tưởng, tôi muốn xây dựng lý tưởng, tôi muốn xây dựng một gia đình con cái đuề huề trong tương lại. Còn hình mẫu gia đình lý tưởng của bạn là như thế nào?”…

Việc đưa ra câu hỏi mở tạo điều kiện cho đối phương đưa ra câu trả lời rộng hơn, thay vì đối phương chỉ trả lời “có” hoặc “không” và giúp bạn dễ dàng tiếp nối câu chuyện. Nếu bạn là người luôn lúng túng trong mọi cuộc nói chuyện, hãy bắt đầu với những câu hỏi như sau: “Ai? Điều gì? Khi nào? Ở đâu? Tại sao? Như thế nào?” Hãy thử hỏi đối phương: “Chuyện đó như thế nào?”, “Việc đó cảm giác như thế nào?”. Khi họ có thể ngừng lại để suy nghĩ về chuyện đó, bạn sẽ nhận được câu trả lời thú vị hơn nhiều.

Bí quyết 3: Đọc ánh mắt đối phương và thu hút sự chú ý

Việc nhìn váo mắt thể hiện sự chân thành trong giao tiếp. Tuy nhiên, nhìn chằm chằm quá lâu có thể khiến cả bạn và người đối phương cảm thấy không thoải mái. Bốn đến năm giây là khoảng thời gian hợp lý để bạn duy trì giao tiếp bằng mắt.

Nếu quan sát ánh mắt đối phương, chúng ta sẽ biết được khi nói về những điều thích thú thì họ sẽ đưa mắt nhìn theo hướng nào. Khi ánh mắt họ đặt ở vị trí đó, bạn hãy làm nổi bật sự tồn tại của bản thân để thu hút họ. Bắt chuyện, châm điêu thuốc, hay lắc ly nước đá và tạo âm thang leng keng… đều này có thể mang đến hiệu quả.

Bí quyết 4: Nếu không biết câu trả lời thì hãy nói thật đi

Đây là một lời khuyên rất chân thật. Thay vì ba hoa về điều mình không biết, hãy nói thẳng ra là: “Tôi không biết” hoặc “Tôi chưa tìm hiểu về vấn đề đó”. Bởi bạn chẳng biết hậu quả to lớn của việc mình “chém gió” đâu. Người đối diện có thể nhìn thấy sự ấp úng đến từ bạn, rồi sau đó là một người “kiến thức rỗng” nhưng lại thích “ba hoa chích chòe”, ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh và danh dự của bạn.

Con người là những cá thể độc lập. Chính vì vậy, mọi người cần phải giao tiếp thông qua ngôn ngữ để thấu hiểu nhau và thông cảm với nhau. Vì vậy, khi tham gia một cuộc trò chuyện, đừng sợ hãi, đưng giận dữ, đừng vội vàng, cũng đừng đè nén cảm xúc, mà hãy bình tĩnh lấy hết dũng khí nói rành mạch những suy nghĩ của bản thân. Nếu những lời nói của bạn thật lòng thì đối phương nhất định sẽ cảm nhận được.

Bí quyết 5: Học cách lắng nghe

Đức Phật đã nói: “Nếu bạn mở miệng nói, bạn không học thêm được gì”. Chuyên gia Coolidge từng nói: “Chưa từng ai mất việc vì lắng nghe quá nhiều”. Vậy tại sao chúng ta không chịu lắng nghe nhau? Lý do thứ nhất, chúng ta thích nói hơn. Chẳng phải bạn luôn giữ suy nghĩ rằng: “Khi tôi nói, tôi nắm toàn bộ thông tin, tôi không phải nghe những điều tôi không quan tâm. Tôi là trung tâm sự chú ý”.

Chuyên gia Stephen Covey từng nói câu rất hay: “Nếu chúng ta không lắng nghe với ý định thấu hiểu, chúng ta hãy lắng nghe để trả lời”. Khi nói ít đi, bạn sẽ lắng nghe nhiều hơn, chú tâm những điều mà người đối diện chia sẻ. Khi nói ít đi, bạn sẽ nghe kỹ từng mảng chi tiết diễn tiến của câu chuyện. Khi bạn nói ít về bản thân và tập trung lắng nghe người khác, mọi người sẽ muốn được làm quen với bạn hơn, từ đó vòng kết nối xã hội của bạn được mở rộng.

Theo bác sĩ trị liệu tâm lý học người Nhật – Hiroyuki Ishii, trong quyển sách “Thuật thôi miên trong giao tiếp”, chỉ ra rằng, mấu chốt của một người giao tiếp tốt chưa hẳn nằm ở điểm “khéo ăn khéo nói” mà chính là sự lắng nghe. “Người biết cách lắng nghe chính là người vừa trò chuyện, vừa quan sát kỹ người đối diện”. Cũng theo Hiroyuki Ishii, để đối phương tin tưởng và chia sẻ nhiều hơn, trước hết, hãy quan tâm, tập trung lắng nghe và tôn trọng đối phương. Điều này giúp những cuộc trò chuyện của mỗi người thực sự được kết nối liền mạch với nhau.

Dựa trên các nguyên tắc khoa học, nghiên cứu trị liệu tâm lý, Hiroyuki Ishii đã đúc kết những bí quyết giao tiếp hiệu quả trong “Thuật thôi miên trong giao tiếp”. Quyển sách giúp mọi người vận dụng các bài tập thực hành, nhằm cải thiện các mối quan hệ trong cuộc sống, từ chuyện yêu đương, làm ăn, mối quan hệ vợ chồng cho đến quan hệ giữa cha mẹ với con cái…

 

Điểm nhấn của quyển sách, tác giả phân tích, diễn giải chi tiết để giúp người đọc hiễu rõ 2 kiểu người chính: Người thiên về cảm giác cơ thể (Physical) và người thiên về lý trí, logic (Emotional). Từ đây, vị bác sĩ Nhật gợi mở cho độc giả cách xây dựng thiện cảm, giúp bạn trở nên “hay ho”, tuýp người dễ mến trong mắt mọi người. Phần cuối quyển sách mở ra nội dung trọng tâm, tổng hợp các kỹ thuật thôi miên để giúp bạn đạt hiệu quả giao tiếp trong các mối quan hệ xã hội.

Đọc xong cuốn sách này, chắc tôi hay bạn chưa trở thành một người giao tiếp tốt nhất. Nhưng tôi tin rằng, với lần đọc đầu tiên, những ý chính trong sách sẽ như “chiếc mỏ neo”, ghim lại trong đầu của bạn những kỹ năng thú vị. Đồng thời, thông điệp chính mà Hiroyuki Ishii  nhấn mạnh là, bạn hãy ra ngoài, kết nối, trò chuyện và lắng nghe người khác nhiều hơn. Và quan trọng hơn, bạn hãy sẵn sàng chuẩn bị tâm thế để đón nhận những điều mới. Đó chính là chìa khóa mở cửa tâm trí bất kỳ ai, giúp giao tiếp và kết nối hiệu quả các mối quan hệ xã hội trong công việc lẫn cuộc sống…

Việc giao tiếp giữa người với người đôi khi đòi hỏi một chút kỹ năng, một chút tinh tế, một chút kinh nghiệm mà không phải ai từ lúc mới sinh ra đều có cùng chung tư duy và kiến thức. Giao tiếp tốt chắc chắn giúp chúng ta tiến gần đến nhiều cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống và được nhiều người yêu quý và tin tưởng hơn. Bạn nên hiểu rằng, con đường nhanh nhất để việc giao tiếp trở nên hiệu quả bắt đầu từ việc học cách thực hành những kỹ năng tốt…

 

Cafebiz