Hà Nội (TTXVN 12/7)

Đại dịch COVID-19 đã và đang khiến vấn đề sức khỏe trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân và toàn xã hội. Chính vì lẽ đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã có những phản ứng nhanh nhạy, kịp thời khi gia tăng các quyền lợi về bảo hiểm nhân thọ, về y tế truyền thống với một loạt các sản phẩm và dịch vụ sức khỏe dành cho khách hàng. Mặc dù vậy, đề cập tới những thách thức của ngành bảo hiểm hiện nay, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho hay, khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra 4 thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp bảo hiểm phải đối mặt trong thời gian tới.

Theo đó, vấn đề cạnh tranh trong ngành sẽ ngày càng gia tăng, kế đến là rủi ro từ yếu tố thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh… và sự giảm sút về thu nhập của khách hàng; cuối cùng là vấn đề trục lợi bảo hiểm. Đáng chú ý, mức độ ảnh hưởng của cả 4 thách thức trên đều gia tăng so với năm 2020.

Đi vào cụ thể, ông Vinh phân tích, mức độ cạnh tranh trong ngành gia tăng là một vấn đề không mới đối với ngành bảo hiểm. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp bảo hiểm đều tỏ ra tự tin hơn với những đột phá nhờ công nghệ, độ đa dạng của sản phẩm và chất lượng đội ngũ tư vấn viên/đại lý.

Trong khi đó, sự chênh lệch về chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, phí bảo hiểm hay độ phủ mạng lưới phân phối giữa các doanh nghiệp bảo hiểm đã giảm đi đáng kể. Đó là do trong suốt một năm vừa qua, ngành bảo hiểm đã có sự chuyển biến tích cực; khách hàng có cơ hội tiếp cận bảo hiểm nhanh chóng hơn với nhiều trải nghiệm và sự chuyên nghiệp hơn. Kết quả khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report cũng cho thấy, phần lớn khách hàng đều khá hài lòng về sự hiện diện, sự tin cậy, sự cảm thông, độ đáp ứng, năng lực phục vụ, chất lượng sản phẩm cũng như phí bảo hiểm mà các doanh nghiệp bảo hiểm đang cung cấp.

Vấn đề giảm sút trong thu nhập của khách hàng cũng là 1 thách thức rất lớn, ông Vinh nhấn mạnh. Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 22,2 triệu người lao động bị giảm thu nhập do tác động của COVID-19 trong năm 2020. Xét riêng quý I/2021, con số này lên tới 6,5 triệu người (xấp xỉ 1/3 tổng số người bị ảnh hưởng COVID-19 trong năm 2020).

Điều này cho thấy, túi tiền của khách hàng thực sự trở nên eo hẹp hơn rất nhiều so với năm ngoái. Thêm vào đó, theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu năm 2021 được dự báo sẽ tăng khá mạnh (có thể ở mức 2,8% so với mức 2% năm 2020) thì áp lực lạm phát Việt Nam cũng đã bắt đầu “nhen nhóm” do ảnh hưởng bởi độ trễ của lượng cung tiền.

Lạm phát có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành bảo hiểm thông qua 4 kênh là yêu cầu bồi thường, chi phí, thu nhập đầu tư và bảng cân đối kế toán; trong đó, chịu tác động mạnh nhất là kênh yêu cầu bồi thường. Lạm phát cũng dẫn đến chi phí bồi thường cao hơn, làm xói mòn lợi nhuận. Sự gia tăng lạm phát càng đột ngột thì tác động càng nghiêm trọng do phí bảo hiểm không thể điều chỉnh được.

Tổng hợp kết quả nghiên cứu của Vietnam Report cho thấy, trong giai đoạn hiện nay, kể cả trong điều kiện bình thường mới thì việc quản lý rủi ro, vốn là giá trị cốt lõi của ngành bảo hiểm sẽ bắt đầu có những thay đổi khác biệt. Đó không phải vì sự thay đổi của các xu hướng lớn, mà còn vì sự thay đổi cơ bản trong nhận thức và hành vi của các tác nhân kinh tế. Cuộc khủng hoảng đã làm gia tăng hàng loạt nhu cầu của các bên liên quan trong ngành bảo hiểm, nhất là sự tham gia của khách hàng và từ đó tạo nên sự chuyển đổi sâu sắc hướng tới cách tiếp cận dịch vụ toàn diện tập trung vào việc quản lý và phòng ngừa rủi ro. Tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm đều đang thích ứng với những thay đổi của thị trường trong bối cảnh dịch bệnh. Bằng nhiều công cụ và cách thức, các doanh nghiệp bảo hiểm đang ngày càng tiệm cận và hiểu rõ hơn các nhu cầu của khách hàng, từ đó tìm kiếm phương thức để quản lý rủi ro nhanh hơn chứ không còn là lộ trình từ 5-7 năm như trước đó.

Theo Báo cáo Bảo hiểm Toàn cầu Allianz mới nhất, ngành bảo hiểm đã vượt qua cơn bão COVID-19 với khả năng phục hồi tốt hơn. Đối với Việt Nam, nối tiếp đà tăng trưởng của năm 2020, có 75% số doanh nghiệp bảo hiểm tham gia khảo sát của Vietnam Report đã ghi nhận kết quả tích cực trong quý I/2021. Tuy nhiên, kể từ khi Việt Nam bước vào giai đoạn bùng phát dịch lần thứ tư, liên quan đến biến chủng của virus với những diễn biến phức tạp và khó lường, các doanh nghiệp ngành bảo hiểm đang trở nên thận trọng hơn về triển vọng kinh doanh trong những tháng cuối năm.

Chỉ có khoảng 52,9% doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam tỏ ra lạc quan với kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm 2021, giảm đáng kể so với mức 90,5% của năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng kinh doanh khó khăn hơn lại tăng mạnh từ 4,8% lên 35,3%. Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, mặc dù đã có vaccine phòng ngừa COVID-19 nhưng thử thách phía trước vẫn rất khó lường nên khó có thể đưa ra dự báo cụ thể về mức tăng trưởng năm 2021 của toàn ngành nói chung.

Tuy nhiều thách thức là vậy, song vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng đối với các doanh nghiệp ở ngành bảo hiểm. Khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra 3 động lực tăng trưởng chính của ngành này, đó là nhận thức và hiểu biết của người dân về bảo hiểm ngày càng được cải thiện; công nghệ phát triển mạnh mẽ và được áp dụng trong tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị ngành bảo hiểm; cùng với đó là sự đa dạng của các kênh phân phối bảo hiểm trong thời buổi hiện nay.

Qua khảo sát, đánh giá, 70,6% số doanh nghiệp tham gia đều cho rằng, nhờ tác động của dịch COVID-19 đã cải thiện đáng kể nhận thức của người dân về bảo hiểm. Đây chắc chắn là yếu tố ảnh hưởng lớn đến kết quả và hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2021 với kỳ vọng sẽ đạt 3,82 điểm trên thang điểm 5. Trong khi đó, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP Việt Nam hiện còn thấp. Đến năm 2020, Việt Nam có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP đến năm 2020 tối đa 3%. Với đà này, tới năm 2025, ước tính sẽ có 15% dân số sẽ tham gia bảo hiểm nhân thọ với doanh thu dự kiến đạt 3,5% GDP.

Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các kênh phân phối và dịch vụ kỹ thuật số sẽ dần thay thế cho các kênh truyền thống. Tuy nhiên, với những yêu cầu và quyết định có tính phức tạp thì kênh truyền thống như đại lý bảo hiểm vẫn được khách hàng ưu tiên lựa chọn nhiều hơn. Trong đại dịch, một lượng lớn khách hàng đã chuyển sang sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số và rất ít người sẽ quay lại thói quen như trước đây của họ.

Khảo sát của Vietnam Report đã chỉ ra rằng, từ khi đại dịch bùng phát, doanh thu từ kênh kỹ thuật số tăng mạnh nhất với 69,2% số doanh nghiệp bảo hiểm. Kênh phân phối qua ngân hàng cũng chỉ ghi nhận doanh thu tăng trưởng khoảng 66,7%. Trong khi đó, doanh thu từ kênh đại lý bảo hiểm vẫn chững lại ở tỷ lệ 46,7% số doanh nghiệp bảo hiểm.

Rõ ràng rằng, nhu cầu của người tiêu dùng đã thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số trong nhiều năm, mang tới nhiều cơ hội đổi mới hơn, cạnh tranh hơn và kết quả tích cực hơn cho ngành bảo hiểm. 88,2% số doanh nghiệp bảo hiểm tham gia khảo sát của Vietnam Report hiện đang triển khai chương trình chuyển đổi số, trong khi 11,8% số doanh nghiệp còn lại đang có kế hoạch triển khai trong thời gian tới.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đang tập trung sử dụng Insurtech hay còn gọi là công nghệ bảo hiểm để gia tăng hiệu quả phân phối sản phẩm sẵn có đến khách hàng, còn các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam thì thường ứng dụng phát triển sản phẩm và kết nối khách hàng.

Tỷ lệ doanh nghiệp bảo hiểm tích cực đẩy mạnh triển khai phần mềm lõi bảo hiểm và phát triển các sản phẩm theo yêu cầu gia tăng khoảng 20% so với năm 2020. Công nghệ ChatBot và bảo hiểm ngang hàng dường như chưa được các doanh nghiệp bảo hiểm chú trọng đầu tư…/.

Ngọc Quỳnh